27 Tháng Tư, 2024

Trường THPT Nguyễn Khuyến – Quảng Nam

Trường THPT Nguyễn Khuyến

Tiểu sử Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)

Illustration of Tam Nguyen Yen Do Nguyen Khuyen

Nguyễn Khuyến sinh ngày 18 tháng giêng năm Ất Mùi (15/2/1835), hiệu là Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng. Ông sinh tại quê ngoại ở làng Văn Khê, tục gọi làng Ngòi, xã Hoàng Xá (nay thuộc xã Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi, thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khoá tú tài và làm nghề dạy học. Mẹ Nguyễn Khuyến là Trần Thị Thoan, con cụ Trần Công Trạc, từng đỗ sinh đồ (tú tài). Cụ bốn đời Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát sự Thanh Hoá.
Năm 1843 (8 tuổi), Nguyễn Khuyến theo gia đình về quê nội ở làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ (nay thuộc xã Trung Lương), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

 

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) – Ảnh : Nguồn internet

Năm 1852 (17 tuổi), Nguyễn Khuyến đi thi Hương với cha nhưng không đỗ. Năm sau ông lấy vợ, người cùng làng. Chính người vợ “tào khang” này đã “một nắng hai sương” gánh vác việc nhà để chồng học tập.
Năm 1854, cha mất, mẹ già yếu, cuộc sống gia đình ngày càng túng quẫn, Nguyễn Khuyến phải làm nghề dạy học để kiếm sống và nuôi mẹ. Nguyễn Khuyến được ông nghè Vũ Văn Lý đem về nuôi và cho ăn học.
Năm 1864 ( 30 tuổi), Nguyễn Khuyến thi Hương và đỗ giải nguyên. Năm sau thi Hội bị trượt, Nguyễn Khuyến ở lại Huế học trường Quốc Tử Giám, đổi tên Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến.
Năm 1871(37 tuổi), Nguyễn Khuyến thi đỗ Hội nguyên và Đình nguyên, được vua Tự Đức ban cờ biển và hai chữ “Tam nguyên”. Nguyễn Khuyến được mọi người gọi là Tam nguyên Yên Đổ.
Sau đó Nguyễn Khuyến ra làm quan ở Nội các Huế, làm Đốc học rồi thăng Án sát tỉnh Thanh Hóa, giữ chức Biện lý Bộ Hộ trong kinh, chức Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1883, Nguyễn Khuyến được đề cử chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên song ông không chịu đến nhận chức. Năm 1884, Nguyễn Khuyến vào kinh sau khi bị ép nhận chức Tổng đốc nhưng ông kiên quyết từ chối và cáo quan trở về làng quê Yên Đổ, lúc đó ông mới 50 tuổi.
Từ năm 1891 đến năm 1893, Nguyễn Khuyến làm nghề dạy học.
Ngày 15 tháng giêng năm Kỷ Dậu (5/2/1909), Nguyễn Khuyến qua đời tại quê nội, hưởng thọ 75 tuổi.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của văn học dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ. Thơ Nguyễn Khuyến xoay quanh ba nội dung: bộc bạch tâm sự; viết về con người, cảnh vật ở quê hương Bắc Bộ; đả kích, chế giễu bọn người xấu trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Thơ văn Nguyễn Khuyến được truyền tụng vì trong những ngày bi thảm nhất của lịch sử dân tộc, Nguyễn Khuyến vẫn giữ được tấm lòng son sắt, trong sạch, yêu nước, gần gũi và cảm thông với nhân dân.